Chùa Hòa Phúc tọa lạc tại thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc ngoại thành Hà Nội).
Đây là vùng đất linh thiêng, vốn được vua Lê sắc phong là đất hương khói cho Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Nguyễn Trực (1417 – 1473) sau khi qua đời.
Lịch sử ghi lại rằng: “Sau khi tạ thế, phần mộ cụ an táng tại thôn Thượng Khê, xã Nghĩa Bang, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay là thôn Thế Trụ, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Ngày 23 tháng 7 năm Giáp Thìn (1484), phụng chỉ vua Lê Thánh Tông, khi cải táng, cụ Nguyễn Trực được đưa về yên nghỉ ngàn thu ở trang trại Tây Tựu, thảo đường núi Thịnh Mỹ, thôn Đại Lại, xã Bạch Thạch, huyện Mỹ Lương (nay thuộc xóm Vinh Quang, thôn Bạch Thạch, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Với uy linh và đạo đức của mình, Trạng Nguyên Nguyễn Trực được nhiều thế hệ con cháu và nhân dân phụng thờ. Các ngôi chùa, đình, đền, miếu cũng từ đó ra đời với mục đích thờ Phật, kính Thánh, lưu truyền gương sáng cho hậu thế.
Trong dòng chảy đó, Chùa Hòa Phúc xuất hiện trên nền tảng là ngôi miếu nhỏ nằm dưới gốc Đa cổ thụ vài trăm năm tuổi.
Qua bao nắng mưa, thịnh suy thời cuộc, cây Đa và ngôi miếu nhỏ bị tàn phá bởi bom đạn và quên lãng (năm 1945, 1967). Lần trùng tu duy nhất vào những năm 90 của thế kỉ XX từ sự vận động của dân làng bằng vật liệu thô sơ với diện tích khiêm tốn.
Dưới bóng đại thụ lâu đời, bên cạnh ngôi đền Trúc Đóng có nguồn gốc vào khoảng năm 1880 tôn thờ đức Thành Hoàng đã có công đóng trại, lập ấp, đưa dân khẩn hoang tạo nên cộng đồng dân cư đầu tiên trên vùng đất mới mà vào thời đó phần đông là nơi du canh du cư của dân tộc Mường.
Chùa Hòa Phúc ra đời góp phần hình thành nên điểm nhấn tâm linh vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân xứ Đoài vùng châu thổ sông Hồng.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông.”
Tổng quan Nhà Tổ và Tam bảo từ cổng vào
Chùa nằm trên đồi cao, nghiêng mình soi bóng bên hồ nước trong xanh có từ thuở sơ khai của tạo hóa. Mặt tiền chùa xoay hướng Đông Nam, nhìn ra ngọn Miếu Môn như bức tranh tuyệt đẹp vùng sơn cước. Bên phải là núi Voi, thuộc dãy núi Ba Vì nơi lưu giữ huyền thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh trên đỉnh Tản Viên hùng vĩ. Bên trái là sông Tích hiền hòa mang phù sa từ dòng sông Hồng đêm ngày tưới mát những cánh đồng. Sau lưng trông xa là ngọn núi Thầy (núi Sưa), nơi tu hành và thị tịch của vị danh Tăng nhà Lý – Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Trong chùa, ngoài Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng và chư vị Tổ sư, còn thờ Quốc Phu Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ. Đặc biệt tôn trí pho tượng bán thân của Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (sinh ngày 28 tháng 8 năm 1525 – mất ngày 20 tháng 7 năm 1613), người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía Nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương Nam của 9 vị chúa Nguyễn, đặt nền tảng cho vương triều Nguyễn gồm 13 vị vua. Với ý nghĩa tâm linh, tôn vinh sự nghiệp dựng nước và giữ nước của ông cha đi trước, xây dựng truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ mai sau, cũng là tinh thần “Bốn ân cao cả” trong giáo lý nhà Phật. Thật đúng với câu:
“Non xanh nước biếc hữu tình
Cây đa bến nước, sân đình chùa quê.”
Tuy nằm khép mình trong làng quê nghèo, nhưng bằng sự nhiệt tâm của Phật tử gần xa, nhà chùa dần ổn định về quy mô kiến thiết và đi vào tổ chức các khóa tu học, định hướng tâm linh, xây dựng nhân cách và lối sống lành mạnh cho nhân dân, Phật tử trong và ngoài địa phương.
Năm 2006, thành lập Đạo Tràng Pháp Hoa dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội trực tiếp hướng dẫn.
Năm 2007, công trình tòa Tam Bảo được khởi công đặt đá trùng tu dưới sự chứng minh của Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng chư tôn giáo phẩm chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Quốc Oai.
Năm 2008, dưới sự chứng minh của Thượng tọa Thích Chân Tính – Phó Ban Hoằng Pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, “Khóa tu Niệm Phật” ra đời, thu hút rất đông Phật tử về tham dự.
Năm 2012, thành lập Đạo Tràng Tịnh Độ trên nền tảng Đạo tràng Pháp Hoa trước đó, gồm 13 tổ Phật tử với gần 1300 Phật tử viên sinh hoạt thường trực dưới sự chứng minh của Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Uỷ viên thường trực Hội đồng Trị sự, chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội và Đại đức Thích Chiếu Tuệ – Uỷ ban Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội. Trong thời gian này, chùa xây dựng khu giảng đường (2 tầng) với diện tích 700m2 bao gồm: nhà ăn, nhà giảng, nhà bếp…
Năm 2014, động thổ đại trùng tu ngôi Tam Bảo (2 tầng) với diện tích 700m2 bao gồm: Chính điện (300m2) theo kiến trúc cổ truyền Phật giáo Bắc bộ. Hậu cung tôn thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (cao 3m), tượng Đại Ca Diếp (cao 2m), tượng A Nan (cao 2m) bằng gỗ mít. Hai bên tiền đường còn tôn trí 12 pho tượng Dược Xoa Đại Tướng – hóa thân của chư Phật, Bồ Tát theo kinh Dược Sư Bản Nguyện Công Đức. Tầng dưới (700m2) là nhà Tổ và nhà khách…
Sự tu học của Phật tử được nâng cao với “Khóa tu Niệm Phật” vào ngày 18 âm lịch hàng tháng. Bên cạnh những Đại lễ truyền thống Phật giáo: Lễ Cầu An Đầu Xuân, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Lễ Khánh Đản Đức Phật A Di Đà,… chùa còn tổ chức “Khóa tu Học sinh – Sinh viên”, “Khóa tu Mùa Hè” góp phần định hướng, rèn luyện nhân cách đạo đức, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.
“Ai về Hòa Phúc chùa quê
Nghe kinh tỉnh mộng, bến mê xa lìa.”
Từ năm 1990, chùa do dân làng trông nom.
Từ năm 2004 đến năm 2008, chùa được sư thầy Thích Đàm Luyến trụ trì.
Từ năm 2008 đến nay, chùa được Đại đức Thích Tâm Hòa trụ trì, hướng dẫn tu tập.
Ngày 05 tháng Giêng năm Bính Thân (nhằm ngày 12/02/2016), nhân dân, Phật tử đạo tràng Chùa Hòa Phúc vinh dự được đón tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ, bà Trần Nguyệt Thu – phu nhân Thủ tướng, cùng đoàn lãnh đạo cấp cao về thăm và trồng cây lưu niệm tại chùa. Sự kiện này góp phần thể hiện tinh thần gắn kết, hòa hợp giữa Đạo pháp và Dân tộc.
Đạo Tràng Tịnh Độ Chùa Hòa Phúc
Kính ghi