1. ĐÔI NÉT VỀ THẦY THÍCH CHÂN TÍNH – Ban Biên soạn

Thầy Thích Chân Tính, thế danh Nguyễn Sỹ Cường, sinh năm 1958, tại Daklak, nguyên quán Bắc Ninh. Thầy là con thứ 2 trong gia đình có 7 anh chị em, thân phụ là cụ Nguyễn Sỹ Hiệu theo nghiệp nhà binh, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Đảng đảm đang việc nội trợ. Quãng thời thơ ấu của Thầy ngoài việc làm lụng phụ giúp gia đình, với bẩm tính siêng năng, hiếu học và rất mê đọc sách nên Thầy đã tích lũy cho mình được một nguồn tri thức vững vàng.

chp 22 147 5855

Năm 1973, vào dịp nghỉ hè, nhân đọc cuốn sách “Lược Truyện Đức Phật Thích Ca”, Thầy đã hiểu về lý vô thường và thấy rõ bản chất đời sống thế gian là giả tạm. Từ đó, thiện căn ngày càng tăng trưởng và chủng tử Phật pháp như được hồi sinh phát khởi, do vậy, trong thời gian này, đã có lúc Thầy trốn nhà vào chùa xin xuất gia học đạo, trước ý chí quyết tâm tha thiết hướng về Phật pháp, cuối cùng nguyện vọng xuất gia học đạo cao cả của Thầy cũng được gia đình chấp thuận.

Cuối năm 1973, khi vừa tròn 15 tuổi, Thầy xuất gia với Đại lão Hòa thượng Ngộ Chân Tử tại chùa Hoằng Pháp. Xuất gia được 3 năm, năm 1976 Thầy được ân sư cho thọ giới Sa-di.

Đến năm 1979, Thầy vào TP. HCM theo học các khóa Phật học. Năm 1981, Thầy thọ giới Tỳ-kheo, tại giới đàn chùa Long Hoa, quận 3. Bên cạnh việc học Phật, năm 1985, Thầy là sinh viên khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp TP. HCM (nay là trường ĐHKHXH&NV).

Năm 1988, khi Hòa thượng ân sư viên tịch, Thầy được Giáo hội và huynh đệ trong tông môn tín nhiệm giao trọng trách tiếp nối trụ trì chùa Hoằng Pháp cho đến ngày nay. Vào cuối năm 1998, Thầy có chuyến hoằng pháp tại Đài Loan. Nhận thấy cách thức hành trì, tu tập của chư Tăng và Phật tử nước bạn rất tiến bộ nên khi về nước, Thầy đã mạnh dạn thay đổi. Thầy quyết tâm thực hiện mô hình tu tập dựa trên những kiến thức đã học, nhưng có nhiều cải cách để phù hợp hơn với bản sắc dân tộc, đất nước, con người Việt Nam nói chung và Phật tử Việt Nam nói riêng. Từ đó, các Khóa Tu Phật Thất được mở ra và phát triển cho đến ngày hôm nay.

Năm 2005, với định hướng phát huy tinh thần hiếu đạo của con cái đối với cha mẹ, tập trung rèn luyện nhân cách, đạo đức làm người và phát triển nhận thức về lý nhân quả cho các bạn trẻ, lần đầu tiên Thầy tổ chức Khóa Tu Mùa Hè dành cho thanh thiếu niên để các bạn có cơ hội về chùa tu học.

Có nhiệt huyết, đạo tâm và hoài bão lớn trong các công tác Phật sự, nhất là trong việc ứng dụng giáo lý đạo Phật vào cuộc sống gia đình, Thầy đã dành nhiều tâm sức suy ngẫm về vấn đề đổi mới phương thức hoằng pháp, sao cho phù hợp với căn cơ và trình độ của quần chúng nhân dân, nhằm gieo duyên cho mọi người biết quay về nương tựa Tam bảo.

Hằng năm, ngoài việc tổ chức các công tác Phật sự tại bổn tự, Thầy còn dành thời gian đến với các đạo tràng trong và ngoài nước. Không chỉ hướng dẫn oai nghi cho Phật tử và chứng minh các đại lễ Phật giáo, Thầy còn tổ chức các buổi chia sẻ Phật pháp nhằm giúp mọi người phát khởi niềm tin Tam bảo, bổ sung những kiến thức, giáo lý căn bản để ứng dụng trong tu học, giúp mọi người hướng đến một đời sống an lạc, hạnh phúc.

Là một trưởng tử Như Lai luôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp, ngoài việc tham học, giảng dạy Thầy còn dành nhiều thời gian để viết, phiên dịch và biên soạn các đầu sách: Tôn Giáo Học So Sánh, Vua Pasenadi, Lược Truyện Đức Phật Thích Ca, Sữa Pháp Ban Mai, Tu Nhà, Phật Pháp Cứu Đời Tôi, Bằng Tất Cả Tấm Lòng, Chuyện Bình Thường, Những Điểm Đặc Sắc Của Phật Giáo, Đời Người, Nhìn Lại, Biết Lỗi Nên Sửa…

2. NHÂN DUYÊN THẦY TRÒ – HT Thích Chân Tính

Tôi chào đời tại Đắk Lắk năm 1958. Ý thức về cuộc đời bắt đầu tại Thành Ông Năm, Hóc Môn, Gia Định từ năm 1964 lúc học lớp 5 (bây giờ là lớp 1). Ba tôi là lính Liên Đoàn 30 Công Binh Chiến Đấu, sát bên cạnh chùa Hoằng Pháp. Nhà gần chợ Thành Ông Năm, thỉnh thoảng ba mẹ đi chùa Hoằng Pháp vào những dịp lễ, tết và tôi cũng diễm phúc được đi theo. Hòa thượng trụ trì chùa Hoằng Pháp có tặng cho ba mẹ tôi một số sách do Ngài biên soạn và ấn tống. Năm 1967 ba tôi chuyển về Sóc Trăng theo lệnh của cấp trên. Năm 1969 tiếp tục chuyển về Long Xuyên. Đi đâu ba mẹ tôi cũng đem theo những kinh sách mà Hòa thượng trụ trì chùa Hoằng Pháp tặng. Năm 1972 trong lúc nghỉ hè tôi có thời gian rảnh rỗi nên đã tìm đọc những cuốn kinh sách đó. Có lẽ do căn lành nhiều đời nên khi đọc tôi liền thích và bén duyên với Phật pháp. Tôi bắt đầu đi chùa tụng kinh, nghe pháp tại chùa Hội Tông gần nhà. Thỉnh thoảng đến tịnh xá Ngọc Giang tại thành phố Long Xuyên dự lễ cúng hội, quý sư có tặng những cuốn sách như Tứ Kệ Tĩnh Tâm, Ánh Nhiên Đăng, Giác Huệ Thi Tập,… đọc những sách này như thêm động lực thúc đẩy tôi hướng đến con đường xuất gia giải thoát. Nhờ thâm nhập kinh tạng, nên mỗi ngày đạo tâm tăng trưởng, tôi đã xin cha mẹ xuất gia nhưng không được sự đồng ý. Tôi quyết chí trốn nhà đi tu. Lần thứ nhất thất bại. Từ kinh nghiệm đó, lần thứ 2 tôi đã thành công và đến ở tu một ngôi chùa tại Chợ Mới, Long Xuyên. Thầy trụ trì đồng ý cho ở tập sự, thế nhưng được vài ngày thì tôi lại chán, vì lúc đó trong tâm tôi thích xuất gia theo hạnh khất sĩ. Tôi xin thầy trở về nhà, sau đó đến xin các sư ở tịnh xá xuất gia nhưng không được chấp nhận với lý do chưa đủ 18 tuổi. Tôi ở nhà tiếp tục nuôi chí xuất trần, để tâm vào việc tìm hiểu Phật pháp. Một hôm tôi đọc được cuốn Trên Đường Hành Đạo của Hòa thượng Ngộ Chân Tử, trụ trì chùa Hoằng Pháp. Biết được cuộc sống và đạo nghiệp của Hòa thượng từ bắc vào nam, thể hiện một bậc chân tu “Thượng cầu hạ hóa”. Tôi hết sức kính phục đạo hạnh và việc hoằng pháp lợi sinh của ngài. Tôi nghĩ đây chính là bậc thầy khả kính mà mình có thể nương tựa tu học. Tôi năn nỉ ba mẹ cho về chùa Hoằng Pháp xuất gia và song thân đã đồng ý.

Giữa năm 1973 tôi rời nhà ở Long Xuyên về Gia Định đến chùa Hoằng Pháp bắt đầu cuộc đời mới. Hòa thượng trụ trì lúc đó tuy tuổi đã 73 nhưng ngài còn rất khỏe mạnh, trông giống ông tiên, toát lên vẻ đẹp của bậc xuất trần thượng sĩ. Ngài có vầng trán cao, mũi to, gương mặt phúc hậu hồng hào, tai dài, đặc biệt có chùm lông mọc từ lỗ tai, giọng nói tiếng cười rất có lực, đi đứng rất vững và nhanh. Sau 3 tháng tập sự tôi được thế phát xuất gia. Khi tôi đến chùa đã có một số sư huynh xuất gia trước và hơn 10 sư ở làng Cô Nhi Long Thành đến y chỉ với Hòa thượng tu học cũng như phụ giúp nuôi dưỡng các em cô nhi. Ngoài ra còn có một số chư Ni xuất gia với Hòa thượng và một số đến nương tựa tu học.

Sau ngày đất nước thống nhất (30/04/1975), một số huynh đệ và chư Tăng hoàn tục, một số đi nơi khác tịnh tu. Đến năm 1977 chùa chỉ còn tôi là đệ tử xuất gia nam duy nhất. Năm 1979 vì lý do đặc biệt nên tôi phải rời xa Hòa thượng lên thành phố để tu học. Từ đó thỉnh thoảng tôi về thăm Hòa thượng rồi lại đi, không có cơ hội gần gũi chăm sóc Hòa thượng lúc tuổi già. Đến năm 1988 Hòa thượng bệnh già và ra đi vào ngày 16/10 Mậu Thìn. Mặc dù 88 tuổi nhưng ngài vẫn khỏe mạnh, gương mặt hồng hào, đi lại không phải người dìu, không phải ngồi xe lăn, không nằm liệt giường, không phải phiền người hầu hạ lâu vì ngài chỉ nằm vài ngày rồi ra đi một cách nhẹ nhàng. Thân thể ngài vẫn cường tráng, không đau đớn rên la gì, mắt còn sáng, tai còn thính, trí nhớ còn tốt và rất tỉnh táo cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Trong cuộc đời xuất gia của mình, cho đến nay tôi vẫn luôn ray rứt là chưa làm tròn bổn phận của người đệ tử đối với thầy. Và tôi nghĩ rằng mình rất có phước khi được xuất gia với một vị chân tu khả kính, cả đời thể hiện tinh thần “Thượng cầu hạ hóa” đúng với bản hoài của người xuất gia.

Sự có mặt của tôi tại chùa Hoằng Pháp nghĩ lại cũng là nhân duyên. Khi nhỏ lần đầu tiên tôi đến chùa Hoằng Pháp năm 1964. Chín năm sau (1973) tôi trở lại chùa Hoằng Pháp xuất gia. Năm 1979 tôi rời chùa lên thành phố tu học. Năm 1981 tôi vượt biên ra nước ngoài tưởng là không còn cơ hội trở lại chùa Hoằng Pháp, thế nhưng sự việc không thành. Năm 1988 Hòa thượng viên tịch, không còn huynh đệ nào khác kế thừa, tôi phải về gánh vác trọng trách trụ trì chùa Hoằng Pháp cho đến ngày nay. Có phải tất cả đều là nhân duyên.