Đại Sư Hải Khánh khi chưa xuất gia mang họ Lý, tên húy là Phú Quý, tổ cư ở đất Dự (Hà Nam) phía Đông Nam huyện Bí Dương, Trung Quốc. Ngài sinh vào cuối thời nhà Thanh, năm Tuyên Thống thứ nhất (1909), triều vua Phổ Nghi.
Do xuất thân hàn vi nên chưa từng được học văn đọc sách nhưng thiên tính tự nhiên nhân hậu, lớn lên hiền lành, hiếu thảo lại hiểu biết lễ nghĩa.
Năm 11 tuổi ngài quy y tam bảo tại Thanh Lương Tự, Lễ Uyển Đông La Hán sơn, pháp sư Truyền Đông vì ngài thế độ ban pháp danh Hải Khánh. Năm 42 tuổi ngài vào thường trụ tại Lai Phật Cổ Tự chuyên tu Tịnh độ, chân thực niệm Phật. Năm 1981, ngài kính trụ tại Bạch Mã Tự, tăng thọ cụ túc giới. Ngày 11 – 01 – 1991 ngài cười nói rồi thị tịch, tự tại sinh Tây. Thế thọ 82 tuổi, tăng lạp 71 năm.
Những lần gặp dân làng đến chùa, gặp mặt ngài chỉ hỏi thăm một câu: Ông ăn cơm xong có khát hay không? Xong chẳng nói lời nào khác rồi lại niệm Phật.
Điền sản của chùa có 8 mẫu đất, toàn nhờ ngài nhặt phân về bón mà thành mầu mỡ. Những lần nhặt phân được nhiều, đất chùa đã đủ dùng rồi thì chẳng kể là đất đai của nhà ai, gặp nhà nào liền để lại cho nhà đó. Nếu gặp con đường nào gồ gề có các hố vũng ngài liền tự san lấp cho bằng phẳng.
Có lần nước sông lên cao, học sinh nhỏ chẳng dám qua sông (do trời lạnh), ngài đi nhặt phân trông thấy liền cõng từng đứa từng đứa một qua bên kia. Lại có một lần, cả chùa các sư đều đã đi làm Phật sự chỉ để lại ngài ở nhà để nhặt cho đủ phân đến giữa ngọ rồi về, gạo mì để trong phòng kho khóa lại, ngài không ăn không uống, một mình niệm Phật trước chùa, thôn dân ăn cơm xong đến chùa chơi, hỏi ngài:
– Sư phụ ăn cơm rồi hay chưa?
Ngài nói:
– Chưa ăn.
Thôn dân về nhà bưng một bát cơm đến cho ngài, ngài ăn xong lại tiếp tục niệm Phật và nhặt phân.
Lại có lần nhân một việc nhỏ mà có nhà sư mắng chửi ngài, ngài do chẳng biện giải bị sư kia đánh trúng đỉnh đầu, máu chảy xuống cả mặt mũi mà vẫn chẳng thanh minh, sư kia được thể liền đánh đập càng thô bạo hiểm hóc, dân thôn nhiều người trông thấy không nhịn được cùng đến can ngăn mới dừng lại.
Ngài xưa nay chưa từng nổi giận cãi cọ với ai, người trong tự viện đối đãi với ngài như với vật bỏ đi, có hay không chẳng quan trọng, không ai giao cho ngài một việc gì tương xứng, mỗi việc nhặt phân về lại đi.
Lúc ăn cơm, ngài có gì ăn nấy, còn thức ăn nguội thì ăn thức ăn nguội, còn thức ăn thừa thì ăn thức ăn thừa, không còn thức ăn thì thôi. Cử hành những việc Phật sự, thời khóa ngài không tham gia vì không biết đọc, thường cô độc lẻ loi một mình, một mình ngồi trước tự viện niệm Phật. Có người dân trông thấy cười ngài, ngài nói:
– Tôi không biết đọc tụng!
Họ lại hỏi:
– Thế ông biết đọc tụng gì?
Ngài đáp lại rằng:
– Tôi chỉ biết niệm A Di Đà Phật!
Trước khi vãng sanh ngài không ăn cơm, thị hiện một chút bệnh nhẹ, không ai trợ niệm. Ngài có báo với mọi người nhưng không ai để tâm. Ngài chỉ có một yêu cầu là được đặt di thể vào trong khạp (cái chum lớn) rồi nằm theo thế cát tường, mặt hướng về Tây mà vãng sanh.
Di thể ngài đặt trong khạp sau sáu năm nhập tháp (1991 – 1997), kỳ giới nguyên Thượng Hải Hạ Hiền đại lão hòa thượng phát tâm làm lễ trà tỳ cho ngài. Khi vừa mở khạp ra mọi người kinh ngạc thấy di thể ngài ngồi kiết già đoan tọa, diện mạo như còn sống, các y vật không hề hư tổn. Tứ chúng biết là kim cang pháp thể toàn thân xá lợi liền thờ trong chùa sớm tối cúng dường lễ bái.
Năm 2006, Quảng Châu đại đức, Lý Nguyên Thiên cư sĩ vui mừng nghe được thánh tích của ngài bội tăng kính ngưỡng liền phát tâm thếp vàng pháp thể cúng phụng.
Ngài lúc bình thời vô cùng giản dị, ngoại trừ câu Phật hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” thì trọn không nói câu nào khác, tự nhiên mà khéo tăng trưởng phẩm vị (Một môn thâm nhập, trường thời huân tu). Há chẳng phải là ngầm hợp chỗ đạo diệu hay sao?
(Nguồn:Nam Mô A Di Đà Phật)
Tâm khiêm hạ thì “gặp” được, cái gốc của tín tâm với đại đạo cực giản dị: chúng sinh và Phật chẳng phải hai, niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, như vậy mà thôi! Từ Hữu tịnh nghiệp học nhân thán thán ngài rằng:
Nhất cú Di Đà pháp trung vương,
Thất thập niên lai tâm trung tàng,
Bất tham thiền lý bất nghiên giáo,
Bất giải kinh chú hựu hà phương?
Tín thâm nguyện thiết trực niệm khứ,
Tự nhiên hoa khai Cực Lạc bang,
Lưu thử kim cương bất hoại thể,
Chứng chuyển pháp luân độ mê mang.
Tế quan Phật thủ đê thùy xứ,
Kháp tự Lục tổ giá từ hàng
Kim kiền kỳ đảo liên đài hạ,
Cầu sư dẫn ngã xuất mộng hương
Kỷ Sửu, Mạnh Hạ bất tiếu sa môn
Thích Ấn Chí Thức
Tạm dịch là:
Một câu A Di Đà Phật vua các pháp
Bẩy chục năm qua tàng chứa trong tâm
Không tham cứu thiền lý, không nghiên cứu giáo điển
Chẳng giải kinh, chú cũng đâu chướng ngại gì?
Tín sâu, nguyện thiết, niệm Phật mãi ra đi
Cực Lạc Tây Phương hoa sen tự nở
Lưu lại thân kim cang bất hoại này
Minh chứng cho pháp luân đang chuyển độ chúng sinh mê muội
Ngắm trông đầu Phật cúi nhìn
Thấy như Lục tổ cưỡi thuyền từ
Nay dưới đài sen hết lòng cầu khẩn
Cầu thầy dẫn con ra khỏi xứ mộng ảo này!
Thích Ấn Quả
Trong Tây Phương Xác Chỉ, Bồ tát Giác Minh Diệu Hạnh dạy rằng khi một người niệm A Di Đà Phật phát nguyện vãng sinh, thì ngay lúc ấy trong ao Thất Bảo cõi Cực Lạc đã mọc lên bông sen của người ấy.
Nếu hành giả thối thất tu hành thì sông sen sẽ héo tàn, nếu hành giả tinh tấn bền vững tín nguyện hạnh thì bông sen không ngừng lớn lên theo công phu tu tập, đó chính là bông sen hành giả sẽ hóa thân khi vãng sinh. Bồ tát có bài kệ khuyên rằng:
Trong ao bát đức đã trồng sen
Quả nhiên nhất niệm thật thâm huyền
Vun bồi tuy cậy Như Lai lực
Nở lớn toàn nhờ quyết định tâm!
Lục tổ Huệ Năng xưa cũng xuất thân hàn vi, không được học chữ nghĩa nhưng là bậc giác giả ẩn trong vẻ quê mùa, khi viên tịch tổ để lại Kim cương pháp thể toàn thân xá lợi vẫn còn đến ngày nay.