Lung linh đêm hội hoa đăng cầu trường thọ tại Chùa Hòa Phúc
Đây là đêm hội để những người con cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền (còn sống) được bình an mạnh khỏe, cha mẹ quá vãng (đã mất) được siêu sinh về cõi cực lạc; đồng thời cầu nguyện quốc thái dân an, Phật giáo trường tồn, chúng sinh dị độ.
Tối ngày 18/8/2019, Chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội), đã tổ chức “Đêm hội hoa đăng cầu trường thọ”.
Đây là đêm hội để những người con cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền (còn sống) được bình an mạnh khỏe, cha mẹ quá vãng (đã mất) được siêu sinh về cõi cực lạc;đồng thời cầu nguyện quốc thái dân an, Phật giáo trường tồn, chúng sinh dị độ.
19h00, tại sân Chùa Hòa Phúc, hàng nghìn phật tử đên đây để cầu nguyện cho đấng sinh thành.
Lễ Vu Lan là dịp gợi nhắc lại một trong những đạo lý, nhân cách lớn nhất của mỗi con người là Đạo Hiếu.
Cũng nhân dịp này, những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị Chân – Thiện – Mỹ và về với đạo của người làm con.
Phật tử lắng nghe Đại đức Thích Tâm Hòa, giải thích về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan.
Nghe lời chia sẻ của trụ trì Đại đức Thích Tâm Hòa, nhiều người ngồi dưới không cầm được nước mắt.
Dù lượng người về Chùa Hòa Phúc rất đông, tuy nhiên không có tình trạng chen lấn xô đẩy.
Thành tâm kính Phật.
Đến 20h30, Đại đức Thích Tâm Hòa, cùng nhiều cao tăng ở các chùa khác chuyền lửa cho các phật tử châm ngọn lửa hoa đăng.
Hàng trăm ngọn hoa đăng được thắp lên đỏ rực, lấp lánh mang theo ước nguyện, cầu bình an, an lành và lòng thành kính của người dân gửi đến những người đã khuất.
Mỗi ngọn đèn hoa đăng được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người.
Chùa Hòa Phúc tọa lạc tại thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Đây là vùng đất linh thiêng, vốn được vua Lê sắc phong là đất hương khói cho Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Nguyễn Trực (1417 – 1473) sau khi qua đời.
Lịch sử ghi lại rằng: Sau khi tạ thế phần mộ cụ an táng tại thôn Thượng Khê, xã Nghĩa Bang, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay là thôn Thế Trụ, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Ngày 23 tháng 7 năm Giáp Thìn (1484), phụng chỉ vua Lê Thánh Tông, khi cải táng, cụ Nguyễn Trực được đưa về yên nghỉ ngàn thu ở trang trại Tây Tựu, thảo đường núi Thịnh Mỹ, thôn Đại Lại, xã Bạch Thạch, huyện Mỹ Lương (nay thuộc xóm Vinh Quang, thôn Bạch Thạch, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Với uy linh và đạo đức của mình, Trạng Nguyên Nguyễn Trực được nhiều thế hệ con cháu và nhân dân phụng thờ. Các ngôi chùa, đình, đền, miếu cũng từ đó ra đời với mục đích thờ Phật, kính Thánh, lưu truyền gương sáng cho hậu thế.
Trong dòng chảy đó, Chùa Hòa Phúc xuất hiện trên nền tảng là ngôi miếu nhỏ nằm dưới gốc đa cổ thụ vài trăm năm tuổi. Qua bao nắng mưa, thịnh suy thời cuộc, cây đa và ngôi miếu nhỏ bị tàn phá bởi bom đạn và quên lãng (năm 1945, 1967).
Lần trùng tu duy nhất của Chùa Hòa Phúc vào những năm 90 của thế kỉ 20 từ sự vận động của dân làng, bằng vật liệu thô sơ nhưng với diện tích cũng khiêm tốn. Do đó, đây là ngôi chùa cũng khá thanh tịnh và yên bình.
Anh Hùng – Infonet
https://infonet.vn/lung-linh-dem-hoi-hoa-dang-cau-truong-tho-tai-chua-hoa-phuc-post310068.info