Hỏi: Hạnh phúc đến từ đâu? Làm sao để có được hạnh phúc?
Đáp: Tất cả chúng sinh ở trong thế gian không chỉ có riêng loài người đều muốn tìm hạnh phúc cho mình. Tuy nhiên điều quan trọng là tìm hạnh phúc bằng cách nào và hạnh phúc đó là chân thật hay giả tạo, tạm bợ mong manh? Khi chúng ta chưa biết tu thì tìm hạnh phúc ở đâu? Ngày xưa, khi mới ba, bốn tuổi, hạnh phúc của mình chỉ là những món đồ chơi bằng nhựa.
Càng lớn lên thì nhu cầu hạnh phúc càng tăng thêm, rộng và cao hơn. Khi đi học thì hạnh phúc của mình là được đỗ đạt. Khi tốt nghiệp ra trường thì nhu cầu hạnh phúc là lập nghiệp kiếm tiền. Có được tiền của rồi thì tìm người bạn đời là một niềm hạnh phúc lớn.
Tuy nhiên, sự hạnh phúc này chỉ là ảo tưởng, bởi vì lúc chưa được thì buồn khổ, lúc được rồi vẫn khổ sầu và đến lúc mất đi càng đau khổ. Khi chưa cưới nhau thì “mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”, hứa hẹn đủ điều, một ngày không gặp nhau thì “không sống nổi”. Đó là hạnh phúc giả tạo, tương đối, mong manh, luôn luôn biến đổi theo thời gian, tuổi tác và hoàn cảnh. Có sự nghiệp và lập gia đình rồi thì lo làm ăn tích góp của cải suốt mấy chục năm vẫn nghèo khó. Người nghèo đã khổ, nhưng người giàu cũng khổ không kém. Tuy nhiên, tất cả cuối cùng đều phải ra đi, bệnh nặng nằm liệt giường, quằn quại đau đớn và trút một hơi thở kết thúc cuộc đời, hoặc ra nằm ngoài nghĩa địa hoặc vào trong lò thiêu.
Ba tấc hơi vừa dứt,
Một ngọn lửa rực hồng,
Nhặt được chỉ nắm tro tàn,
Chôn vùi dưới lòng đất lạnh.
Suốt bao nhiêu năm qua nhọc nhằn tìm kiếm, nhưng chỉ được những thứ hạnh phúc tương đối, giả tạm, không lâu dài. Như vậy hạnh phúc thật sự nằm ở đâu mà từ bé cho đến hiện giờ vẫn chưa tìm thấy? Đức Phật đã chỉ dạy con đường để tìm niềm hạnh phúc chân thật ở ngay nơi thấu suốt sự thật. Chỉ có ở nơi đó mới có thảnh thơi, an lạc và hạnh phúc chân thật.
Ví dụ, mới thoạt nhìn thấy một cục lớn như cái cốc chói rực màu vàng có in bốn số chín thì ngỡ là vàng thật. Lập tức tim đập mạnh, chân run, máu huyết tuần hoàn siêu tốc, chân đi không nổi. Đến khi cúi xuống nhặt lên để nhìn kỹ mới biết là “vàng mã âm phủ” dùng để đốt cúng vong, thì liền bình thản vứt bỏ và đi tiếp giống như chưa hề có việc gì xảy ra.
Cội gốc căn bản của đạo Phật là giúp cho chúng ta thấu suốt được sự thật, không còn mê lầm, nhìn “đồ dởm” mà cứ tưởng đồ thật. Suốt mấy chục năm, chúng ta vất vả khổ nhọc chỉ vì lo cho cái thân này, nhưng cuối cùng nó cũng bị mục nát dưới lòng đất hoặc chỉ còn lại một nắm tro tàn.
Tất cả đều sẽ tan hoại, chỉ còn cái tâm thanh tịnh niệm Phật sáng suốt thấu rõ lẽ thật ngay giờ phút hiện tại của mình mới là cái chân thật nhiệm mầu. Cái nghe biết sáng suốt này không có hình tướng, không có tên gọi, không có màu sắc, nhưng làm chủ tất cả và điều khiển mọi thứ có hình tướng. Nếu không có cái tâm sáng suốt đó thì con người đều thành cây cột vô tri giác. Chính cái biết sáng suốt thanh tịnh đó là cội nguồn của hạnh phúc, nhưng từ bấy lâu nay chúng ta quên lãng và chỉ lo đi tìm kiếm hạnh phúc giả tạm ở bên ngoài, mà không biết rằng chính cái thân này cũng không có thật.
Suốt cuộc đời chạy đuổi theo những ảo ảnh và lầm tưởng sẽ có được hạnh phúc, nhưng tất cả là đều lầm chỗ, lạc đường và nhiều nhọc nhằn khổ lụy. Tất cả mọi sự vật luôn ở trong trạng thái biến động vô thường, không lúc nào đứng yên và tồn tại mãi mãi, nhưng nếu vì không biết mà cứ bám chấp vào chúng thì chẳng khác nào đưa tay nắm bọt bóng dưới nước. Cũng giống như con nai khát chạy đuổi theo sóng nắng; Tựa như con vượn khờ dại mò bắt bóng trăng dưới hồ. Tất cả việc ấy chỉ khiến cho con người lao tâm, khổ trí và kiệt sức cho đến khi gục chết mà vẫn không thể nắm giữ được bất cứ thứ gì.
Duy nhất chỉ có đức Phật mới có thể chỉ cho chúng ta thấy rõ lẽ thật ở nơi thân và tâm, tìm ra được sự an lạc hạnh phúc chân thật ở ngay nơi một niệm thanh tịnh của mình. Khi nhìn thấy bản chất của tất cả đều là giả dối thì tự nhiên chúng ta sẽ quay trở về với bản tâm thanh tịnh của mình và chính nơi ấy là cội nguồn của hạnh phúc chân thật.
Nguồn: http://www.chuahoangphap.com.vn