Những ngày qua, khi cả thế giới điên đảo với dịch bệnh Virus Corona thì tôi vẫn an mình nơi Không Cốc, quán chiếu nhìn lại nghiệp quả chính mình và cộng nghiệp chúng sinh. Tôi tự hỏi nhân sinh đang đi về đâu?
Tổ sư Pháp Xứng (1) đã dạy trong tác phẩm Một giọt Logic “Nhận thức đúng sẽ đưa đến thành công”. Thật vậy, do nghiệp quả của chúng sinh không đồng, căn tánh sai khác nên nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan, về bản thân và cộng đồng hoàn toàn trái ngược nhau. Người giàu nhưng nhận thức kém cũng có những hành động làm tổn thương mình và gây tổn thương cho gia đình, xã hội. Người nghèo nhưng có tự trọng, có nhận thức tốt sẽ tạo ra nghiệp quả mang đến an vui hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.
Một cô gái con nhà giàu đi du lịch khắp nơi Âu, Mỹ…nhưng chỉ vì thiếu nhận thức nên đã không khai báo y tế, trốn về nhà trong tình trạng sốt cao để rồi lây bệnh cho biết bao người. Ngược lại, bạn thanh niên đi xuất khẩu lao động trở về từ tâm dịch Hàn Quốc đã chủ động khai báo, cách ly y tế, nhờ đó giữ được bình an cho bản thân và cộng đồng. Nhận thức bản thân không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Nó như ánh mặt trời vẫn ngày hai buổi, đều đặn xuống lên mặc cho mây che hay giông bão.
Vậy mục đích để chúng ta sống trên cuộc đời này là gì? Để kiếm nhiều tiền, trở thành đại gia, để trở thành người được tung hô ca ngợi…hay chỉ để được sống bình yên với con người và muôn vật.
Đơn giản là chúng ta cần sống để tập làm người có nhận thức đúng. Con người hơn con vật ở nơi “nhận thức”. Nghĩa là có chánh niệm trong từng suy nghĩ, lời nói, việc làm của bản thân. Khi ý thức rằng sự hiện hữu của mỗi cá nhân luôn có mặt của gia đình, quê hương và cộng đồng thế giới thì khi đó chúng ta sẽ cân nhắc đến hậu quả mà chính chúng ta là người nhận lấy.
Tôi còn nhớ một nghệ sỹ cải lương truyền thống đã chia sẻ “chúng ta biết cái không cần, còn cái cần chúng ta không biết”. Chúng ta suy nghĩ thế nào về điều này? Cái chúng ta biết, dù đó là thiên tài, vĩ nhân đi nữa cũng chỉ là điều kiện cần để tồn tại trong xã hội phức tạp này. Còn điều kiện đủ để trở thành một con người hoàn hảo, trở thành người có nhận thức đúng thì chúng ta bỏ qua, không quan tâm, không cần biết. Tư duy truyền thống, đạo đức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, thuỷ chung vợ chồng, hiếu thuận anh em, tín nghĩa bạn bè…đó có phải là những điều lạc hậu lỗi thời hay là giá trị cốt lõi của cuộc sống. Vật chất có quyết định ý thức không, điều đó còn tuỳ thuộc vào tư duy nhận thức của mỗi người.
Tuy nhiên, trong bối cảnh con người quen với lối sống ảo, phụ thuộc nhiều vào vật chất, xem nhẹ tâm linh, khinh thường giá trị hạnh phúc gia đình, sống lạc loài trong ảo ảnh xa hoa, chạy đua theo sức mạnh đồng tiền, lọc lừa dối trá, khoe thân xác trên trang mạng xã hội, chửi mắng huỷ nhục nhau cho cả thế giới biết…đó có phải là người có nhận thức đúng không? Dù biết rõ hậu quả thế nào nhưng chính chúng ta không dám nhìn vào sự thật. Chúng ta đánh mất sự trung thực, lòng vị tha bởi vì chúng ta yếu đuối, hèn kém, bị khuất phục bởi lòng ích kỷ được nuôi dưỡng từ bản ngã cố chấp lâu nay. Điều cần biết mà bấy lâu nay chúng ta bỏ quên, xem nhẹ tưởng chừng là trò đùa của trẻ nhỏ, là điều gở của kẻ khờ, thì không ít người vì điều gàn dở đó mà bỏ cả gia tài, địa vị cao sang, dấn thân tìm cầu, học hỏi chứng ngộ. Vậy nếu đó là trò đùa, là điều gàn dở thì tại sao con người ta lại phải bỏ sự cao sang tôn quý, vật chất vinh quang để cả đời theo đuổi, thực tập. Điều đó là gì? Đơn giản chỉ là “nhận thức đúng”.
Nói nghe nhẹ nhưng có mấy ai trong cuộc đời đã làm được. Địa vị, giàu sang, danh vọng đời này không thiếu, nhưng chưa chắc đã mua được “nhận thức đúng”.
Nếu có nhận thức đúng, người giàu càng giàu thêm vì họ biết cho đi, biết sẻ chia đến những người khốn khó. Nếu nhận thức đúng, người có danh vọng thì danh vọng càng cao vì họ biết nghĩ đến những người dưới, những người cộng sự ngày đêm vì tập thể mà quên mình. Nếu có nhận thức đúng, người có hạnh phúc thì hạnh phúc càng bền chắc vì họ biết tôn trọng những điều thiêng liêng trong tình nghĩa vợ chồng, họ không tự biến mình thành “con giáp thứ 13” (2) để thế gian cười chê, tự lòng hối trách. Quan trọng hơn là chúng ta nhận thức đúng về sự sinh và tử của mỗi chúng ta. Đã bao giờ ta tự hỏi “mình sinh ra để làm gì? Tại sao phải sinh ra? Sao ta không có quyền lựa chọn gia đình, cha mẹ để sinh ra? Tại sao sinh ra lại phải chết? Chết là gì? Chết lúc nào? Ta có làm chủ được cái chết không?…”
Những câu hỏi “gàn dở” như vậy đã làm tốn hao không biết bao nhiêu giấy mực của thế gian nhưng vẫn chỉ là những tờ giấy vô hồn. Người ôm giữ nó cho là kinh điển giáo điều, phải học thuộc lòng, đọc tụng hằng ngày là người thật đáng thương vì mớ giấy vô tri đó đối với ta nào có liên hệ gì. Chỉ khi nào biết buông xuống, bước từng bước vững chãi trên đôi chân, lắng nghe được sự nồng ấm của mặt đất, rồi hít vào thật sâu, thở ra thật nhẹ, cảm được cái thanh khí của trời. Khi đó ta mới bắt đầu đi tìm lại chính mình từ nơi “nhận thức đúng”.
Suy cho cùng, người có nhận thức đúng không có nghĩa là đi mây về gió, phán xét đúng sai… mà đó là một con người dung hoà được cá nhân trong tập thể, bình yên trong xao động của thế gian. Là người luôn khiêm hạ trước lẽ đúng sai của cuộc đời, luôn lắng nghe những trắc ẩn của thế nhân mà lòng vẫn sáng trong như trăng tròn mười sáu. Người có nhận thức đúng là đi đầu trong khó khăn và đứng sau khi thành công, không hơn thua tranh giành với đời. Người có nhận thức đúng là biết im lặng khi cần và biết nói khi hợp thời, tuỳ duyên mà bất biến trong mọi hoàn cảnh. Tập sống với “nhận thức đúng” dù chưa phải là người toàn hảo, người thành công nhưng ít ra cũng không phải là một con vật. Tập sống với “nhận thức đúng” dù chưa làm được gì cho nhân loại nhưng ít ra ta không làm tổn hại giống nòi, không huỷ hoại truyền thống đạo đức tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Viết ra đây, tôi như viết cho chính mình, mong rằng giữa chốn trần gian mộng mị này, chúng ta luôn vững tin nơi Tam bảo để nuôi dưỡng “nhận thức đúng” làm lẽ sống cho đời mình.
Vô Trí
Chú thích:
(1): Pháp Xứng (zh. 法稱, sa. dharmakīrti) là một trong những Luận sư quan trọng nhất của triết học đạo Phật, đại điện quan điểm của Nhân minh học (sa. hetuvidyā), sống trong thế kỉ thứ 7 (~ 600-650) tại Nam Ấn Độ và là môn đệ của Hộ pháp (sa. dharmapāla) tại Na-lan-đà (Thập đại luận sư).
(2): Con giáp thứ 13. Tiếng lóng trong anh ngữ gọi là Tuesday. Ám chỉ kẻ ngoại tình, kẻ thứ 3. Hiện tượng này trong xã hội hiện nay rộ lên xem như là trò giải trí “thời thượng” của một tầng lớp trí thức nhưng thiếu nhận thức. Về nhà họ vẫn là vợ chồng, nhưng ra xã hội họ tự cho phép mình có nhiều mối quan hệ ngoài luồng nhằm thoả mãn nhu cầu tính dục hoặc thói quen đi tìm cái lạ. Họ tự biến họ thành kẻ thứ ba và đối phương của họ cũng không ngoại lệ.